Nhắc đến đàn T’rưng người ta có thể nghĩ ngay đến âm thanh trong trẻo, vui tươi vang khắp núi rừng. Đàn T’rưng đã trở thành một nhạc cụ quen thuộc trong đời sống vật chất và tinh thần của người Tây Nguyên, chúng được sử dụng trong các mùa lễ hội và trong cuộc sống hàng ngày để xua tan những mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả.
Đàn T’rưng là gì? Vật liệu làm nên đàn T’rưng
Hầu như chúng ta ai cũng đã từng nghe và biết đến tên gọi cũng như âm thanh trong trẻo của cây đàn đàn T’rưng. Đây là nhạc cụ của người đồng bào Tây Nguyên với một thiết kế vô cùng đặc biệt khiến cho ai cũng cảm thấy thoải mái nhất khi lắng nghe giai điệu của núi rừng, cụ thể:
Đàn T’rưng là gì?
Trong tất cả các loại nhạc cụ ở nước ta hiện nay như đàn guitar, đàn tỳ bà, đàn piano, đàn tranh, đàn nguyệt… được sản xuất từ các vật liệu khó tìm và kỹ thuật phức tạp thì đàn T’rưng – nhạc cụ đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên – lại được chế tạo từ vật liệu rất thô sơ, đó là những ống tre, nứa.
Đàn T’rưng được sử dụng để hòa âm, phối khí, có thể kết hợp với các nhạc cụ khác để cho ra những bản hòa ca khác nhau, cũng có thể sử dụng để độc diễn tạo nên những bài diễn phong phú, đa dạng thường được sử dụng để biểu diễn trong các dịp lễ hội truyền thống hoặc trong văn hóa sinh hoạt cộng đồng của người Ba Na, Gia Rai, Ê đê…
Âm thanh của đàn T’rưng rất đặc trưng. Tùy vào các cách làm đàn khác nhau sẽ tạo ra được những âm thanh trầm bổng, cao thấp, êm dịu khác nhau. Nhưng thường thì âm thanh của đàn rất trong, nghe tiếng đàn vang lên, ta có thể cảm nhận được hết sự trong trẻo nhưng không kém phần hùng vĩ của núi rừng.
Đàn T’rưng khi được hòa tấu với các nhạc cụ khác như cồng chiêng, ting ning… sẽ cho ra những giai điệu rất đặc biệt. Tiếng đàn trong trẻo kết hợp với tiếng vang to của cồng chiêng sẽ tạo ra được một không khí rất nhộn nhịp, vui tươi và rất “Tây Nguyên”.
Vật liệu tạo nên chiếc đàn T’rưng nổi tiếng
Trước đây, người các buôn làng Ê đê làm đàn T’rưng bằng cách sử dụng loại cây lồ ô để làm các ống đàn, sau đó sử dụng vỏ cây yâo brang để làm dây cột các ống đó lại lấy nhau, và lấy thân cây đó để làm dùi đánh đàn. Hiện nay, người ta không sử dụng loại cây đó nữa mà sử dụng các ống tre, ống trúc để làm đàn. Các ống tre được khoét rỗng, chặt vót 1 đầu.
Các ống tre được chặt theo những độ dài khác nhau để tạo những âm vực khác nhau. Sau đó ngâm nước trong 2 tháng rồi vớt lên tiến hành phơi nắng trong 5 – 6 lần. Sau đó lại tiếp tục ngâm trong 1 tháng. Việc ngâm các ống tre, ống nứa giúp chúng không bị mọt và có âm thanh ngân vang hơn. Việc chế tác đàn rất công phu, phải chọn được nguyên liệu chuẩn.
Tức là những ống nứa có kích thước phù hợp và cần được phơi khô, vì nếu chọn ống nứa tươi thì âm thanh cho ra không được trong trẻo và dễ bị mối mọt phá hoại. Thời gian để hoàn thành một cây đàn cũng khá lâu do cần sự trau chuốt và tỉ mỉ, khoảng tầm 3 tháng thì một nghệ nhân có thể hoàn thiện một cây đàn đạt chuẩn. Dùi đánh đàn được sử dụng là dùi làm từ gỗ, sừng bò, sừng trâu.
Nguồn gốc xuất xứ của đàn T’rưng là từ đâu?
Đàn T’rưng có nguồn gốc từ vùng rừng núi Tây Nguyên, đây là một loại nhạc cụ phổ biến và đặc trưng ở vùng này, đặc biệt là ở các dân tộc Ba Na và Gia Rai. Đàn được làm từ các ống tre và ống nứa cùng một vài nguyên liệu núi rừng khác. Đàn T’rưng là tên mà chúng ta đặt cho tên đàn, còn tên gốc của đàn được người Bana, Ede gọi là Tokro hoặc Khinh Khung.
Mục đích lúc đầu của đàn là dùng làm phương tiện tạo tiếng ngân để xua đuổi chim chóc, muông thú, chuột bọ bảo vệ mùa màng. Về sau đàn được người dân Tây Nguyên dùng trong những buổi cúng tế các vị thần, gõ lên những nhịp ngân vang như một lời cảm ơn đến thần linh đã che chở và ban phước cho ngôi làng.
Chiếc đàn T’rưng đầu tiên có cấu trúc gồm 5 ống trúc được cột lại với nhau bằng hai đầu dây, 2 bên 2 đầu sẽ do 2 người vịn để nâng đàn, 1 người sẽ đánh đàn để tạo ra âm thanh. Mọi người sử dụng đàn để báo giờ nghỉ ngơi, tập họp, hoặc vào những dịp đặc biệt như liên hoan, tổ chức tiệc tùng. Người Bana sử dụng nhạc cụ này trong những bữa tiệc tế thần linh..
Cấu tạo cầu kỳ của đàn T’rưng
Đàn T’rưng là nhạc cụ có âm thanh trong, vang do được chế tạo từ những ống nứa khô, rỗng ruột, chiều dài, kích thước khác nhau. Mỗi ống đàn gồm hai phần: ống hơi và thanh cộng hưởng, giữa 2 phần này có mối quan hệ mật thiết để tạo nên cao độ chuẩn và âm thanh vang.Cấu tạo của đàn gồm các ống nứa được liên kết với nhau bằng những sợi dây nhỏ, bền, chắc.
Kết cấu của đàn đơn giản như chính những con người vùng núi rừng Tây Nguyên vậy. Chiếc đàn được ghép bằng nhiều ống nứa, tre với các kích thước khác nhau, ống ở trên cùng dài khoảng 70 – 90cm, ống dưới cùng khoảng 20 – 30cm. Đàn T’rưng của người Ba Na sẽ có khoảng 12 – 18 ống nứa, tre trong khi đàn T’rưng của người Ê đê, Mnong chỉ có khoảng từ 7 – 9 ống.
Đàn có một trụ chính thẳng đứng có 3 chân để làm giá đỡ cho đàn và 2 trụ nằm dọc theo những thanh ống nứa có hình cong xuôi theo những ống nứa đó, nhìn từ xa đàn như một hình tam giác bị mất phần đỉnh. Các ống nứa được xếp đan xen với nhau, các dùi gõ đàn thường được làm bằng gỗ hoặc sừng của động vật.
Có tất cả bao nhiêu loại đàn T’rưng?
Ngày trước, người ta chia đàn thành các loại tùy thuộc vào nguồn gốc dân tộc, ví dụ như các tộc người Ba Na thì sẽ có đàn 18 ống, các tộc người còn lại ở Tây Nguyên sẽ có các loại đàn với ít ống nứa hơn.
Ngày nay, với trình độ sản xuất điêu luyện, người ta đã có thể sản xuất ra rất nhiều loại đàn T’rưng khác nhau để phù hợp hơn với từng mục đích của từng đối tượng sử dụng. Các loại đàn T’rưng hiện nay bao gồm: đàn 2 giàn, đàn 3 giàn, đàn dùng để bàn, đàn 15 ống dành cho thiếu nhi, đàn T’rưng 3 dàn nhỏ Chromatic, đàn 3 dàn lớn Chromatic và đàn T’rưng loại ống lớn…
Tóm lại, tùy theo mục đích sử dụng sẽ cho ra những chiếc đàn khác nhau, nhưng điểm chung là đều phải được chế tạo với đặc trưng của đàn là phải tạo ra được đàn có âm vực rộng 3 quãng 8.
Các bước chơi đàn T’rưng siêu đơn giản
Đàn T’rưng có âm vực rộng, các quãng cao. Khi dùng để biểu diễn sẽ tạo ra những giai điệu êm tai, tùy theo cách biểu diễn và kỹ năng của mỗi người nghệ sĩ sẽ cho ra được những bản hợp tấu khác nhau nhưng có điểm chung là đều ngân lên giai điệu vang, to và rất trong. Cách chơi đàn rất đơn giản, chỉ cần sử dụng một chiếc dùi (lưu ý là phải làm từ tre, gỗ hoặc các loại sừng động vật) để gõ vào đàn.
Để đạt được những âm thanh như những nghệ nhân thường tạo ra, chúng ta cần sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, như kỹ thuật đánh ngón vê, ngón á, hoặc kỹ thuật đánh chồng âm… Cái khó ở đây là người chơi phải nhớ được độ cao, thấp, trầm, bổng của từng nốt trong từng ống đàn.
Khi dùng dùi gõ vào các ống sẽ có âm thanh khác nhau, ống to dài sẽ phát ra âm thanh trầm, quãng thấp, những ống ngắn nhỏ sẽ có âm vực cao, trong. Âm sắc của đàn T’rưng nhìn chung sẽ rất trong, với nguồn âm thanh bất tận khi nhanh khi chậm hòa cùng dàn nhạc hòa tấu khiến ta cảm thấy như đang nghe bản hòa ca của núi rừng với tiếng suối róc rách, tiếng thác đổ, tiếng gió thổi êm tai.
Ý nghĩa đặc biệt của nhạc cụ đàn T’rưng
Đàn T’rưng ngoài được biết đến là một nhạc cụ thì còn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt trong văn hóa Việt nói chung và văn hóa Tây Nguyên nói riêng. Người dân coi việc chơi nhạc cụ này như một nét đẹp tâm linh, biểu hiện cho sự phát triển và cuộc sống của người đồng bào, cụ thể là:
Đàn T’rưng là biểu tượng cho văn hóa Tây Nguyên
Là một nhạc cụ với truyền thống lâu đời của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, của con người Tây Nguyên hiền hòa chân thật, đàn T’rưng đã trở thành một biểu tượng của nhạc cụ truyền thống ở nước ta, tiếng đàn không chỉ làm say mê bao dân tộc trong đất nước mà còn bay cao, bay xa đến những vùng đất xa xôi ngoài thế giới, làm nức lòng biết bao dân tộc, đất nước trên thế giới.
Ngày xưa, người Tây Nguyên dùng tiếng đàn với mục đích xua đuổi các loài chim muông, các loài thú gây hại trên các cánh đồng để chúng không phá hoại mùa màng. Một lưu ý khi dùng đàn là không được sử dụng trong nhà để tránh làm ảnh hưởng, đuổi hồn của những loài gia súc trong nhà đi.
Tiếng đàn T’rưng thay tiếng nói của người đồng bào
Đàn T’rưng còn là một loại nhạc cụ được các chàng thanh niên vùng Tây Nguyên dùng để bày tỏ tâm sự, gửi gắm tâm tư của mình cho các cô gái mà họ thích, tiếng đàn T’rưng nói lên tâm trạng, tình yêu thầm kín của chàng trai, từ đó kết duyên những tâm hồn trẻ với nhau.
Ngày nay, người dân tộc trên các buôn làng Tây Nguyên sử dụng tiếng đàn T’rưng như một phần trong văn hóa của họ, tiếng đàn ngân vang trong những buổi sinh hoạt văn hóa của buôn làng vang khắp núi rừng và trở thành một biểu tượng của họ. Đàn cũng được sử dụng để biểu diễn trên những sân khấu lớn trong và ngoài nước góp phần đưa nền văn hóa Việt Nam bay cao.
Kết luận
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đàn T’rưng đã chứng tỏ được sự trường tồn của mình qua năm tháng và trở thành một trong những nhạc cụ mang đậm văn hóa Tây Nguyên nói riêng và văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung.