HomeBlogSáo diều - Loại nhạc cụ cổ truyền dành cho những cánh...

Sáo diều – Loại nhạc cụ cổ truyền dành cho những cánh diều

Sáo diều là một bộ phận của chiếc diều, một thú chơi giết thời gian truyền thống thể hiện một nét văn hóa của người dân Việt Nam. Tuy nhiên không phải ai cũng sẽ biết được những thông tin về loại sáo này cũng như bắt nguồn của chiếc diều sáo, ta sẽ cùng tìm hiểu về sáo và diều ngay dưới đây.

Sáo diều là gì?

Sáo diều là một nhạc cụ cổ truyền thuộc họ hơi, cùng họ với sáo và kèn. Tuy nhiên có một điểm khác ở đây chính là sáo này không dành cho người thổi mà dành cho những cánh diều bay cao. Gió sẽ lùa qua và phát ra âm thanh của sáo du dương, trầm ấm trong những ngày gió lộng mát mẻ của những đứa trẻ chăn trâu trên cánh đồng.

Sáo diều là gì?
Loại nhạc cụ dân gian truyền thống

Phần thân sáo sẽ được làm dạng ống bằng tre dài khoảng 30-55cm, đường kính từ 5-11cm, phần sáo gồm nhiều cây sáo xếp từ lớn đến nhỏ để tạo nhiều dạng âm. Ở giữa mỗi thân sáo, các nghệ nhân sẽ khoét 4 lỗ để buộc vào phần thân diều, hai đầu sẽ có lỗ thổi để gió lùa vào phát ra âm thanh. Diều càng thả cao, gió càng mạnh, âm thanh sẽ càng to và càng vang xa.

Hình ảnh những đứa trẻ chăn trâu thả diều vào những ngày gió lộng trên cánh đồng xanh ngát đã trở thành một hình ảnh thân thuộc của người dân Việt Nam. Ngoài ra những tiếng sáo diều vang vọng, vui tai cũng khiến mọi người cảm thấy thật yên bình.

Các loại sáo diều

Hiện nay, do việc sử dụng diều làm thú vui rất được ưa chuộng nên phần sáo của diều cũng có nhiều loại khác nhau. Dưới đây là một số loại sáo thịnh hành hiện nay.

Sáo diều hòa âm 6 quả

Thông thường người ta sẽ dùng loại D48, 6 chiếc sáo này sẽ do các nghệ nhân nổi tiếng ở Hải Phòng làm ra. Ống sáo được chạy chỉ 3 xương cá, phần vành của tai sáo được móc gờ vừa giúp tăng thẩm mỹ mà lại còn giúp sáo nhẹ hơn. Vách sáo đóng bằng gỗ, mỗi khi thả sáo sẽ kêu tiếng dài và vang rất hay như một bản hòa âm.

Bộ sáo diều D40 gồm 7 sáo

Đây là bộ sáo diều có hình thức khá đẹp mắt với phần ống sáo được chạy chỉ như một cuốn thư, mang đến sự nho nhã, sang trọng. Tuy bộ chuông khá nhỏ nhưng với 7 chiếc sáo thì âm thanh được tạo ra rất vang và hay.

Bộ sáo miệng sừng trâu 7

Bộ sáo miệng sừng trâu 7
Bộ sáo  gồm 7 ống với miệng được làm từ sừng trâu

Đây là bộ gồm 7 sáo hòa âm D40 với phần miệng được làm từ sừng trâu rất chắc chắn, vành tai được móc gờ để sáo được nhẹ hơn. Phần ống được chạy chỉ 3 xương cá truyền thống, đặc biệt phần ống được làm hoàn toàn bằng tay tạo âm thanh kêu rất vang vọng.

Bộ 9 quả sáo chuông D45

Đây là loại sáo diều do các nghệ nhân ở Hải Phòng làm ra với hình thức khá đẹp mắt với phần ống sáo được chạy chỉ với 3 xương cá. Phần tai sáo có móc gờ đặc trưng của đất sáo Thủy Nguyên. Âm thanh của bộ này kêu rất thanh, vang vọng và hay.

Bộ sáo còi tàu 5 ống nhôm

Đây là bộ có phần ống sáo được làm hoàn toàn bằng nhôm rất bền, kết hợp thêm với miệng sáo phong cách Thủy Nguyên đẹp mắt. Phần sáo cái sẽ có đường kính D40 phù hợp với những chiếc diều từ 2m6-2m8, ngoài ra tiếng sáo rất đanh, vang như còi tàu.

Các để tạo ra sáo diều có âm hay

Để chế tác ra sáo diều phải là một người thợ lành nghề, có kỹ thuật điêu luyện và khả năng cảm âm, thẩm âm phải cực kỳ tốt. Đặc biệt người thợ phải đủ kỹ năng để chọn nguyên liệu sao cho tốt nhất. 

Chuẩn bị nguyên liệu

Phần thân sáo(ống sáo) sẽ được làm từ ống tre ống nứa, trúc rỗng từ tự nhiên hoặc có thể sử dụng ống nhựa hoặc nhôm nếu thích. Nếu may mắn, ta có thể kiếm được ống tre có kiến làm tổ trong ống, tức là phần bên trong ống sẽ có độ sần sùi cao thì sáo được làm ra sẽ cứng cáp và dễ lấy tiếng sáo hơn. Ngoài nguyên liệu chính làm ống sáo, ta sẽ chuẩn bị thêm sơn, giấy nhám, tấm chắn phong cho sáo,….

Cách làm sáo

Ta cắt cây tre thành những ống sáo theo những kích thước khác nhau rồi đem phơi trong râm cho khô đi. Sau đó sẽ bỏ lên gác bếp khoảng từ 2-9 tháng tùy vào mỗi ống sáo. 

Sau khi có ống sáo, ta sẽ tiện một đoạn ở giữa thân sáo để sau này chích một đoạn làm chân cắm sáo diều vào diều. Tiếp theo ta vót thật nhẵn bề mặt và dùng sơn quét lên để giúp sáo chống thấm nước cũng như mối mọt và thêm phần tươi đẹp.

Cách làm sáo diều
Nghệ nhân tự tay làm những ống sáo thủ công tỉ mỉ

Chính giữa sáo ta sẽ khoét một lỗ vuông, phía trong lỗ ta lấy hai đầu ống tre gắn làm hai miệng. Tiếp theo ta sẽ làm hai tấm chắn phong, có thể sử dụng gỗ hoặc tận dụng nốt phần tre thừa, tấm chắn phong sẽ có hình tròn và chia thân sáo thành hai phần cứng. 

Tiếp theo ta làm phần miệng sáo bằng gỗ mít hoặc bằng sừng trâu đều được, ta sẽ gọt thành hình mai rùa và to hơn ống sáo khoảng 1cm. Miệng sáo sẽ phải tùy vào kích thước sáo để đục miệng hợp lý nhất, sao cho gió lùa vào sẽ tạo thành những âm thanh vang vọng.

Cái khó của một nghệ nhân làm sáo chính là điều chỉnh sao cho hai miệng đều phát ra cùng một âm, nếu làm một bộ sáo thì sáo trên phải bắt tiếng với sáo dưới chứ không thể tùy tiện được. Âm thanh của sáo thường được các nghệ nhân gắn với các âm thanh như tiếng tàu lửa, tiếng chuông, tiếng tù và,….

Làng nghề sáo nổi tiếng bậc nhất

Khi nói về sáo của diều, những người chơi diều nhiều chắc chắn không thể không biết cái tên làng Đại Trà thuộc Kiến Thụy, Hải Phòng. Chiếc diều của làng đã từng được sách kỷ lục của Việt Nam ghi nhận là “Bộ sáo ầm có nhiều sáo nhất Việt Nam”. Sau đây ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về làng Đại Trà nổi tiếng này.

Về thú chơi của người dân trong làng

Không ai trong làng nhớ được thú chơi diều sáo diều từ khi nào nhưng mọi người trong làng đều cho rằng thú chơi này được bắt nguồn từ ông Quốc Thi trong khoảng thế kỷ XIII. Diều ở trong làng có kích thước to hơn diều của những vùng khác, họ chơi diều cốt là để nghe tiếng sáo diều nên làm diều to để nâng bộ sáo bay cao. Có những diều to bằng cả gian nhà còn sáo to gần bằng cây cột.

Về thú chơi của người dân trong làng
Chiếc diều sáo với 13 ống sáo lập kỷ lục của làng Đại Trà

Diều sáo của làng Đại Trà đã dần trở thành một món nhạc cụ truyền thống của dân gian. Không chỉ để thỏa thú vui mà còn là để kiếm sống nhờ nghề làm diều nữa. Nhiều người chơi diều tìm đến tận nơi để chọn, tìm kiếm một bộ diều ưng ý để chơi hoặc để tặng.

Những bộ sáo được làm ra không phải đều được mang đi bán, người dân nơi đây làm để thưởng thức chứ không bán. Nếu vì một lý do nào đó mà người nghệ nhân làm sáo diều phải bán đi chúng thì sẽ tiếc như mất đi vật quý giá trong nhà. Những nghệ nhân nơi đây làm ra một bộ sáo không quá khó nhưng có khi phải làm tới hàng chục bộ thì mới chọn được một bộ ưng ý.

Người giữ lửa cho nghề làm sáo diều tại làng.

Hiện nay, trong làng có khoảng tầm 10 người biết làm sáo tuy nhiên nếu nói về người thực sự đủ am hiểu về sáo thì rất ít, chỉ độ vài ba người. Trong số những người thực sự am hiểu đó có thể kể đến ông Lộc, một bậc thầy trong làng.

Ông Lộc là người có học, am hiểu về thanh âm và được kế thừa tinh hoa trong nghề làm sáo từ dòng họ, ngoài ra ông còn say mê và yêu sáo như bản thân mình vậy. Hiện tại nhà của ông còn lưu giữ nhiều bộ sáo rất quý hiếm như bộ làm từ sừng của con trâu đã vô địch hội chọi trâu tại Đồ Sơn. Có người ra giá cả chục triệu nhưng ông vẫn chưa muốn bán bộ sáo do chính mình làm ra.

Những bí kíp làm sáo diều

Làm ống sáo thì nên tìm những ống có kiến làm tổ, vì chúng cứng cáp, bền và dễ lấy âm sáo hơn. Phần miệng sáo nên chọn các cây gỗ có dạng xoắn như cây mít vườn từ 30 năm tuổi, hoặc có thể dùng gỗ sến, sừng trâu đều rất tốt.

Thông thường mỗi bộ sáo diều chỉ cần 3 ống sáo là đủ, tuy nhiên với những người làng Đại Trà cũng như ông Lộc thì nếu đã chơi phải chơi hẳn 5,7 chiếc thậm chí 9 chiếc mới đủ. Mới đây, các nghệ nhân trong làng đã tập trung lại, cùng nhau làm ra con diều có cánh dài 7,2m cao tới 4,4m để chứa tới 13 ống sáo diều. Khi con diều này bay lên, dù ở xa hàng chục cây số vẫn có thể nghe thấy âm thanh rất rõ.

Theo như ông Lộc thì để có được tiếng sáo hay thì tiếng thứ 1, 2 và 3 phải ăn khớp với nhau để tạo ra tiếng vọng xa. Nếu bộ bị bỏ khuyết mất một âm thì sẽ được gọi là “Bà gọi cháu thưa còn chắt thì vỗ tay”.

Những nơi bán sáo diều chất lượng cao

Việc mua sáo diều cũng như cánh diều về chơi như một thú vui là một điều hiện đang rất được ưa chuộng. Tuy nhiên việc mua diều sáo ở đâu lại là một điều khó khăn bởi nếu mua phải diều dở, coi như là uổng phí mất tiền mà không thể chơi được. Như vậy ta cần phải tìm đến một số cơ sở uy tín để mua. 

Để đảm bảo chuẩn nhất, ta nên đến những làng nghề làm sáo diều để chọn mua. Ở đó chất lượng diều vừa cao mà âm thanh do sáo phát ra cũng bắt tai và vang vọng. Một số làng nghề nổi tiếng có thể kể đến như làng nghề Đại Trà(Hải Phòng), làng Bá Dương Nội(Hà Nội),…

Nếu bạn ở xa và không đủ khả năng đi xa, bạn nên đến những nơi bán sáo diều có hệ thống lớn, nhiều chi nhánh và có độ đánh giá cao. Một số cơ sở bán diều uy tín như là: Thế giới diều, Diều đẹp, Shop diều sáo,…. Ngoài ra bạn nên đến những cơ sở cho nghe thử, dùng thử để biết được âm thanh của bộ sáo cũng như khả năng bay của diều.

Các nghệ nhân sáo diều bậc thầy

Các nghệ nhân sáo diều bậc thầy
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền với đam mê sáo diều mãnh liệt

Nói về những nghệ nhân sáo diều, ta đều biết họ là những bậc thầy làm sáo, có đủ am hiểu về âm, về cách làm sao cho sáo có tiếng hay nhất, trong nhất. Một số nghệ nhân ta nổi tiếng về nghề làm sáo cũng như là những người giữ lửa cho nghề này là:

  • Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền ở Thanh Oai – Hà Nội: Dù đã gần bước sang tuổi 90 nhưng ông vẫn mang trong mình niềm đam mê mãnh liệt với sáo diều.  
  • Nghệ nhân Ngô Văn Bội: Một người có tiếng chơi diều giỏi tại Song Vân, ông thường cùng với các thành viên CLB mình tự lập tham dự các cuộc thi thả diều trên toàn quốc.
  • Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Khiêm của làng Bá Dương Nội: Ông được gọi là người góp phần quảng bá con người, đất nước Việt Nam với thế giới bằng cánh diều sáo.

Kết Luận

Sáo diều là một loại nhạc cụ dân gian tuyệt vời, thú chơi diều sáo cũng là một thú vui tuyệt vời mang đến sự bình yên trong cuộc sống. Bài viết đã cung cấp thông tin, cách làm và các nghệ nhân làm sáo cũng như làm diều sáo một cách cụ thể, chứng minh chúng là món nhạc cụ tuyệt vời. 

Xem nhiều nhất